DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

5 sự thật khó chịu về lãnh đạo

12/02/2020

Bạn mơ ước trở thành nhà lãnh đạo? Cũng hợp lý thôi bởi khi nghĩ về lãnh đạo, thường người ta nghĩ đến quyền được sai bảo người khác, quyền được hưởng thụ nhiều hơn nhân viên, quyền được nói. Với suy nghĩ đó, có lẽ bạn sẽ cảm thấy thật khó chịu khi đọc những chia sẻ chân thật của tác giả trong cuốn "Di sản nhà lãnh đạo" (*).
Mục lục bài viết

    Sự thật thứ nhất: Nhà lãnh đạo phải biết phục vụ và biết hy sinh. Không lẽ phải làm việc cật lực cả đời để rồi khi có cơ hội trở thành người lãnh đạo là phải phục vụ và chịu đựng?

    Vì sao phải phục vụ, vì sao phải chịu đựng? Bản chất của việc lãnh đạo chính là thiết lập mối liên kết giữa những người có khát khao dẫn dắt người khác và được người khác ủng hộ.

    Về vấn đề này, người ta thường nói đến những nhà lãnh đạo tâm huyết. Điều thú vị là các tác giả đã phát hiện từ tâm huyết xuất phát từ chữ La-tinh lại có nghĩa là chịu đựng!

    Sự thật thứ hai: Nhà lãnh đạo phải mong được người khác yêu mến. Các tác giả có vẻ hơi quá khích khi đưa ra lời khuyên những người tuyển dụng lãnh đạo: Nếu tuyển mộ ai vào vị trí lãnh đạo mà họ không bận tâm xem người khác có thích họ hay không thì nên sa thải người đó ngay! Có thể bạn sẽ phản biện.

    Hãy thử ngẫm lại điều gì sẽ khiến nhân viên phải thức khuya làm thêm việc, phải cố gắng làm việc nhiều hơn bình thường? Được trả thêm tiền? Được làm đúng công việc mà mình thích? Được khẳng định bản thân mình với đồng nghiệp?

    Có đấy nhưng dường như không thường xuyên và không quan trọng lắm. Tuy nhiên, phải chăng tất cả những động lực kia sẽ không được duy trì nếu nhân viên không thực sự yêu mến lãnh đạo của mình?

    Sự thật thứ ba: Việc rèn luyện năng lực lãnh đạo cũng có thể mang lại nhiều phiền phức cho bạn và cả doanh nghiệp vì điểm mạnh vẫn có thể thành điểm yếu. Quá mải mê trong việc tỏ ra gương mẫu có thể dẫn đến việc bạn quá tập trung vào những giá trị bản thân và chú trọng đến phong cách làm việc mà quên đi bản chất sự việc.

    Lãnh đạo cần phải có tầm nhìn xa trông rộng, nhưng điều này cũng có thể làm nhà lãnh đạo lòa mắt trước khó khăn thực tế đang đối diện. Lắng nghe, hợp tác là tốt, nhưng tham khảo và lắng nghe ý kiến người khác quá nhiều sẽ gây nên tình trạng không quyết đoán và không nhất quán; trở thành chiều chuộng đám đông chứ không phải lãnh đạo.

    Sự thật thứ tư: Những nhà lãnh đạo hoàn hảo vẫn có thể bị sa thải. Sách dẫn câu chuyện về một vị phó chủ tịch marketing của một công ty đồ hộp ở Mỹ, là người bạn của tác giả.

    Được đánh giá là một nhà lãnh đạo tuyệt vời, được tôn vinh như một tấm gương sang để người khác noi theo nhưng ông vẫn bị sa thải.

    Bởi trong thế giới đầy biến động bất ngờ với những khủng hoảng kinh tế, chính trị và thiên tai khiến cuộc sống con người ngày càng trở nên mong manh, không có gì là đảm bảo chắc chắn cả. Vậy liệu chúng ta có cần phải rèn luyện để trở thành lãnh đạo hoàn hảo không?

    Sự thật thứ năm: Dường như nhà lãnh đạo để lại di sản bằng chính cuộc sống hằng ngày với những việc làm đơn giản để sống thật hơn với chính mình, hoàn thiện bản thân để hỗ trợ người khác, gắn kết mọi người cùng phụng sự cho một mục đích chung.

    Một cách hình ảnh như sách "Di sản nhà lãnh đạo" đã viết: “Không phải là bạn có thể đốt lửa trại lớn đến cỡ nào, mà là bạn giữ ấm cho người khác như thế nào, đã thắp sáng khu trại trong đêm ra sao để mọi người cảm thấy an tâm, và bạn đã rời khỏi khu trại trong bối cảnh đẹp đẽ như thế nào để giúp cho những người đến sau có thể tiếp tục đốt lên ngọn lửa trại khác”.

    Có thể bạn không đồng tình với những lập luận, dẫn chứng của tác giả, nhưng không thể không tiếp tục suy nghĩ về những sự thật khó chịu này, nếu bạn vẫn tiếp tục đeo đuổi giấc mơ trở thành nhà lãnh đạo.

    Nguồn: doanhnhansaigon

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện