vceo

Đặng Ngọc Anh: Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại là thách thức lớn trong kỷ nguyên số

28/05/2025

Hà Nội, ngày 28/5/2025 – Trong khuôn khổ tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số”, bà Đặng Ngọc Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ VICO, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng và bảo vệ thương hiệu trên nền tảng internet đã có những chia sẻ đáng chú ý, đặc biệt liên quan đến các thách thức mà doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang đối mặt trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Mục lục bài viết

    Quang cảnh sự kiện

    Sau khi tham gia tọa đàm “Bảo vệ thương hiệu trong thế giới thương mại nhiều biến số”, bà Đặng Ngọc Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ VICO, đồng thời là chuyên gia có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn xây dựng và bảo vệ thương hiệu trên nền tảng internet đã đưa ra nhiều chia sẻ sâu sắc từ góc nhìn thực tiễn doanh nghiệp công nghệ.

    Bà nhận định, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, việc bảo vệ thương hiệu không còn là lựa chọn mà đã trở thành thách thức sống còn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

    “Thương hiệu không còn là tài sản vô hình. Đó là ‘vũ khí mềm’ quyết định lợi thế cạnh tranh sống còn, đặc biệt khi doanh nghiệp chuyển mình trên các nền tảng số và thị trường quốc tế,” bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

    “Bảo vệ thương hiệu” – Chiếc khiên sống còn của doanh nghiệp hiện đại

    PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại) chia sẻ tại tọa đàm

    Theo nhận định của các chuyên gia tại tọa đàm, trong đó có PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại), khái niệm “Bảo vệ thương hiệu” không chỉ giới hạn ở việc ngăn chặn hành vi xâm phạm như hàng giả, hàng kém chất lượng, mà còn là một chiến lược tổng thể giúp thương hiệu vận hành ổn định, giữ vững niềm tin và phát triển bền vững.

    Từ góc nhìn doanh nghiệp công nghệ, bà Đặng Ngọc Anh chỉ ra ba nhóm rủi ro lớn thường gặp:

    1. Xâm phạm sở hữu trí tuệ không được xử lý kịp thời;
    2. Tấn công thương hiệu qua truyền thông số như tin giả, review tiêu cực có chủ đích;
    3. Chiến lược nhận diện thương hiệu thiếu nhất quán trên các nền tảng số.

    SMEs: Yếu tố sống còn là chiến lược bảo vệ thương hiệu ngay từ đầu

    Bà Đặng Ngọc Anh cho rằng, dù chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) vẫn chưa xây dựng được chiến lược bảo vệ thương hiệu một cách bài bản. “Họ chỉ bắt đầu quan tâm đến thương hiệu khi đã xảy ra khủng hoảng, khi đó đã quá muộn." Theo bà, để đảm bảo sức cạnh tranh bền vững, các doanh nghiệp cần sớm xác lập tài sản thương hiệu như tên gọi, logo, màu sắc chủ đạo, slogan; đồng thời tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam cũng như các thị trường mục tiêu thông qua hệ thống quốc tế như Madrid. Ngoài ra, SMEs cũng cần tận dụng các công cụ công nghệ hiện đại như hệ thống giám sát mạng xã hội (social listening), đánh giá dữ liệu SEO và hệ thống cảnh báo tin giả để kịp thời phát hiện và xử lý rủi ro liên quan đến thương hiệu.

    Đề xuất chính sách hỗ trợ từ góc nhìn doanh nghiệp

    Sau tọa đàm, bà Đặng Ngọc Anh bày tỏ sự cảm kích đến Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng Tạp chí Doanh nghiệp Hội nhập vì đã tổ chức một diễn đàn thực chất, thiết thực và đầy ý nghĩa, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhìn nhận rõ hơn những thách thức về thương hiệu và tìm kiếm hướng đi phù hợp trong bối cảnh đầy biến động hiện nay. Đại diện cho Cộng đồng Doanh nhân Việt Nam VCEO, bà cũng đề xuất một số kiến nghị chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công cuộc bảo vệ thương hiệu, bao gồm: thành lập Trung tâm hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ miễn phí; xây dựng các gói hỗ trợ chi phí bảo hộ thương hiệu quốc tế cho những doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu; và thiết lập hệ sinh thái kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia công nghệ và pháp lý để tạo nên một hệ thống hỗ trợ toàn diện, giúp doanh nghiệp bảo vệ và phát triển thương hiệu một cách bài bản và bền vững.

    “Muốn thương hiệu Việt có chỗ đứng vững chắc, không thể để SMEs đơn độc trên mặt trận này. Chúng tôi là những doanh nghiệp nhỏ, rất cần một chiến lược đồng hành thực chất từ chính sách tới công cụ.” bà nhấn mạnh.

    Từ kinh nghiệm đến hành động thực tiễn

    Từng là người khởi nghiệp từ con số 0 trong lĩnh vực công nghệ, bà Đặng Ngọc Anh hiểu rõ việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu là một quá trình dài hơi và cần chiến lược nghiêm túc. Hiện nay, hệ sinh thái công nghệ do Tập đoàn VICO phát triển cũng đang tích cực đồng hành cùng SMEs trong việc tối ưu hóa nguồn lực, hạ chi phí và bảo vệ tài sản thương hiệu.

    Theo bà, những buổi tọa đàm như thế này không chỉ đơn thuần là nơi chia sẻ tri thức, mà còn là chất xúc tác để các bên liên quan từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp và chuyên gia, cùng chung tay tạo nên một hành lang bảo vệ thương hiệu Việt vững chắc hơn trong tương lai.

    VCEO Việt Nam

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện