Nữ doanh nhân Vũ Thị Thanh Loan & Chút tâm tư trước thềm Xuân Canh Tý 2020
Theo chị, là một doanh nhân trong lĩnh vực giáo dục có điểm gì khác biệt và đòi hỏi cần có những tố chất riêng biệt nào so với các lĩnh vực kinh doanh khác? Chị nhận thấy bản thân mình đã đáp ứng đầy đủ tất cả những tố chất đó chưa và chị cần hoàn thiện và phát huy những gì?
Cá nhân tôi thấy mỗi CEO khi điều hành một doanh nghiệp đều cần có tố chất của người lãnh đạo, người quản lý. Bởi nếu không có những tố chất đó sẽ không thể điều hành doanh nghiệp và chỉ đạo được nhân viên cấp dưới của mình. Mỗi ngành nghề đều có những yếu tố khác nhau, ở Ocean Edu, mục tiêu của chúng tôi là tất cả học sinh Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đều có cơ hội tiếp cận với chương trình giáo dục tiến tiến, chương trình học đa dạng và hiện đại tại Ocean Edu.
Trải qua hơn 12 năm điều hành và phát triển doanh nghiệp, tôi tin là mình đã đáp ứng đầy đủ những yếu tố của một nhà lãnh đạo với 3 chữ T: “Tâm-Tầm-Tài”. Ocean Edu chúng tôi có một câu nói mà các cấp quản lý nhân sự trên toàn hệ thống đều yêu thích đó là “Nhà là nơi để về, Ocean Edu là nơi chúng ta đến”. Tôi và các cộng sự đã xây dựng nên một mái nhà thứ hai để các nhân viên và học viên luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi gắn bó, đồng hành cùng nó.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, theo chị doanh nhân thời nay gặp những thuận lợi và khó khăn gì hơn so với doanh nhân ở các thời kỳ trước?
Tôi cho rằng việc hội nhập 4.0 chính là một cơ hội để các doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển hơn cả về kinh tế, văn hóa, chính trị cho đến giáo dục. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải đón đầu những xu hướng mới, những đổi mới về công nghệ và có những thay đổi, cải tiến trong hệ thống của doanh nghiệp bởi nếu không mình sẽ trở nên lạc hậu và không theo kịp các nước tiên tiến khác. Tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam đều đang tận dụng rất tốt về internet, mạng xã hội làm công cụ khai thác kinh doanh và tạo giá trị cho chính họ.
Chị đánh giá thế nào về đội ngũ doanh nhân trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và doanh nhân Việt Nam nói chung hiện nay? Theo chị, để tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời thời buổi hội nhập cần quan tâm những vấn đề gì?
Điều đầu tiên tôi phải khẳng định là doanh nhân Việt Nam hiện nay rất giỏi, rất tài năng và có là những người có tầm nhìn. Trong những năm gần đây tôi nhận thấy rằng Giáo dục ngày càng được nhà nước quan tâm và đặt ưu tiên lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục cũng luôn chủ động kết nối giao lưu với các tổ chức giáo dục uy tín trong và ngoài nước, liên kết hợp tác với các đơn vị giáo dục tại các nước phát triển nhằm mang lại cơ hội hợp tác mới. Như vậy có thể thấy rằng mỗi doanh nhân trong tác trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và doanh nhân Việt Nam nói chung đều là những người có tầm nhìn chiến lược dài hạn và những hoạch định đúng đắn cho việc phát triển doanh nghiệp.
Để xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân trong thời buổi hội nhập, theo tôi, chúng ta cần phải quan tâm một số yếu tố sau: Thứ nhất là cần chủ động và luôn sẵn sàng trong mọi tình huống, chủ động giải quyết mọi khó khăn không bao biện hay đổi lỗi cho hoàn cảnh; Thứ hai là phải “dấn thân”, phải cùng làm với nhân sự, bởi lãnh đạo chính là một tấm gương để người nhân viên học tập và noi theo; Thứ 3 là phải “tận tâm”, tôi cho rằng bất cứ ngành nghề nào cũng phải tận tâm với nghề, yêu nghề có như vậy chúng ta mới phát triển bền vững được” và cuối cùng phải là người có “trách nhiệm”, tạo được chữ TÍN trong lòng khách hàng và nhận được sự tin yêu từ khách hàng.
Đa phần doanh nhân Việt hiện nay đều trong tình trạng “mạnh ai nấy làm” mà thiếu đi sự kết nối. Theo chị, cần làm gì để xây dựng được đội ngũ doanh nhân Việt Nam đoàn kết hơn nữa, tương trợ nhau cùng phát triển?
Tôi nghĩ là việc doanh nhân “mạnh ai nấy làm” là do họ chưa tìm được một tổ chức những người cùng quan điểm, cùng chí hướng để cùng nhau phát triển. Đơn cử như cá nhân tôi hiện nay, ngoài việc điều hành doanh nghiệp, tôi đang là chủ tịch của WLIN Capital Hà Nội trực thuộc Mạng lưới nữ lãnh đạo quốc tế tại Việt Nam. Đây là câu lạc bộ dành cho các nữ doanh nhân tham gia sinh hoạt và kết nối kinh doanh ở mọi lĩnh vực ngành nghề.
Tại đây chúng tôi không chỉ chia sẻ kinh nghiệm của những người lãnh đạo để cùng nhau phát triển mà còn mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Như vậy có thể nhận thấy, việc tham gia sinh hoạt tại những tổ chức xã hội chính là một đòn bẩy cho doanh nghiệp phát triển hơn cũng như mang hình ảnh của doanh nghiệp đến với nhiều người hơn.
Theo tôi, để xây dựng được đội ngũ doanh nhân Việt Nam đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng phát triển, chúng ta cần tạo nên một cộng đồng doanh nghiệp, ở đó có những điều lệ, quy chế hoạt động rõ ràng khi tham gia sinh hoạt, chức năng và nhiệm vụ cũng như lợi ích của mỗi doanh nghiệp/doanh nhân khi tham gia vào tổ chức. Điều quan trọng là cần phải tạo nên các chương trình gắn kết để mỗi doanh nghiệp/doanh nhân đều cảm nhận được những giá trị mà họ nhận được khi tham gia vào tổ chức cũng như cảm giác thuộc về tổ chức đó. Có như vậy mọi người mới có thể đoàn kết và tương trợ lẫn nhau được.
Nữ doanh nhân Vũ Thị Thanh Loan xuất hiện trên tạp chí Doanh nhân VCEO số 2 - 01/2020
Quan điểm của chị về hai chữ “giàu” và “thành đạt”. Theo chị doanh nhân cần “giàu” hay “thành đạt”?
Tôi nghĩ là mỗi người sẽ có thể có một góc nhìn khác về hai chữ này. Về phía tôi, trên quan điểm cá nhân tôi cho rằng cả hai chữ này đều có ý nghĩa và tôi thích cả hai chữ ấy. Có lẽ là do làm trong ngành giáo dục nên tôi có một góc nhìn khác chăng. Với tôi “giàu” ở đây không phải giàu có về tiền bạc, không phải tài chính dư thừa mà là “giàu” tình yêu thương, giàu lòng nhân ái, giàu trí-lực. Khi đào tạo cho nhân sự trên hệ thống của mình, tôi vẫn luôn nhấn mạnh về điều đó.
“Thành đạt” với tôi không chỉ là một doanh nghiệp vững mạnh, một doanh nhân thành đạt mà tôi còn nhận được nhiều hơn hai chữ “thành đạt” ấy: đó là học sinh của Ocean Edu trưởng thành sau thời gian học tập, đó là những thành tích học tập của các con trong các kỳ thi, đó là việc các con chinh phục thành công từng “nấc thang” trong sự nghiệp học tập, đó là ngoài việc phát triển được doanh nghiệp, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Không chỉ giữ gìn và phát triển được văn hoá doanh nghiệp mà cái lớn hơn nữa là tạo ra giá trị cộng đồng, xã hội: Mang tri thức tới hàng triệu người Việt, tiên phong dẫn đầu phát triển tiếng Anh tới từng ngóc ngách của các tỉnh thành Việt Nam, để tương lai gần tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Chỉ như vậy thôi là tôi thấy mình đã rất “giàu” rồi bởi Ocean Edu chúng tôi đã góp phần tạo nên sự “thành đạt” ấy cho chính học viên và nhân sự của mình.
Chị có thể chia sẻ định hướng và mục tiêu sắp tới của chị cũng như Ocean Edu?
Hiện nay, bên cạnh việc tập trung đào tạo tiếng Anh theo lộ trình chuyên nghiệp dành cho các học viên từ 4-16 tuổi, luyện thi IELTS, luyện thi TOEIC. Chúng tôi đang triển khai đề án xây dựng Ocean Edu City với Tổ hợp giáo dục liên cấp từ các bậc: Tiểu học, THCS, THPT, Đại học, sau Đại học. Hiện nay, chúng tôi đã ký kết cũng như thỏa thuận hợp tác với rất nhiều trường đại học uy tín tại các nước như Mỹ, Anh, Úc, Singapore…trong tương lai thì các học viên của chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu văn hóa giữa các nước cũng như cơ hội học tập tại các trường Đại học uy tín hàng đầu trên thế giới với lộ trình giáo dục tại Ocean Edu.
Nhân dịp Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 đang đến gần, chị có gửi lời chúc gì đến toàn thể các Doanh nhân Việt Nam?
Nhân dịp năm mới xin gửi đến các doanh nhân lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và gặt hái nhiều thành công mới! Cho dù công tác ở lĩnh vực nào, ở đâu, cương vị gì ... cũng luôn cố gắng xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.