Thời cơ chuyển đổi số của doanh nghiệp
Thôi thúc chuyển đổi số
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phát triển tốt và có kế hoạch tăng trưởng. Nhất là các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế, một số ngân hàng thương mại cũng đưa ra các gói hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp.
Theo ông Dũng, các chính sách như Nghị quyết 41 hay Thông tư 01 là những giải pháp có tính hỗ trợ cấp thiết. Nhưng các giải pháp hỗ trợ của ngân hàng với doanh nghiệp có tính ổn định và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. HUBA cũng luôn đồng hành kết nối, gắn kết giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Kinh tế số và doanh nghiệp chuyển đổi số là những vấn đề quan trọng mà HUBA hướng đến trong giai đoạn 2020-2025.
Chưa bao giờ cụm từ "tái cấu trúc" lại thường trực và quan trọng với các doanh nhân như giai đoạn hiện nay. "Cái gì hiệu quả và chưa hiệu quả, cái gì cần phải điều chỉnh, từ thị trường đến sản phẩm, từ nhân lực đến nguồn lực tài chính... luôn là những vấn đề thường trực trong đầu doanh nhân", ông Dũng nhấn mạnh về động lực chuyển đổi số của doanh nghiệp để hướng đến sự phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Trưởng phòng Tổng hợp Kiểm soát nội bộ (NHNN Việt Nam chi nhánh TP.HCM) cho biết, nhận thức và nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân tăng cao, do đó doanh nghiệp phải chuyển đổi theo. Trong nửa đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ ngân hàng điện tử tại TP.HCM đạt 30% (qua các kênh Internet banking, POS, thẻ ATM, mobile banking). "Người dân đã nhận thức cao hơn về lợi ích của thanh toán điện tử, đây là yếu tố nền tảng để ngân hàng và doanh nghiệp nắm bắt", ông Lệnh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp được lợi gì?
Với Ví điện tử Momo, doanh nghiệp tại TP.HCM có thể tận dụng hệ sinh thái hơn 20.000 doanh nghiệp (có 28 ngân hàng) và hơn 100.000 điểm bán lẻ mà Momo đã liên kết. Ngoài tiện ích thanh toán, doanh nghiệp có thể mở gian hàng để bán trực tiếp trên ứng dụng Momo. Với doanh nghiệp có dịch vụ thanh toán định kỳ, Momo cũng hỗ trợ thu hộ.
Ông Phạm Linh - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á đánh giá, công nghệ thanh toán không chỉ là tiện ích mà còn giúp doanh nghiệp quản lý dòng vốn hiệu quả. Chẳng hạn, thông qua các công cụ thanh toán điện tử, doanh nghiệp bán hàng và thu tiền ngay, không có khách hàng nào nợ. Ngoài ra, số nhân sự cũng giảm và tiết kiệm chi phí đầu tư máy móc thiết bị.
Tại TP.HCM, Công ty CP Công viên nước Đầm Sen là đơn vị tiên phong áp dụng bán vé điện tử. Từ chỗ có hàng chục nhân viên bán vé, nay công viên này chỉ còn 3 nhân viên bán vé, trong khi không cần đầu tư hệ thống server.
Theo ông Linh, chi phí đầu tư hệ thống server của một doanh nghiệp hiện nay khoảng 2 triệu USD (khoảng 30 tỷ đồng). Nếu đầu tư công nghệ mới (của Microsoft, Amazon...) và được ngân hàng hỗ trợ, doanh nghiệp chỉ cần tốn 10% chi phí so với tự phát triển. "Sử dụng công nghệ mới còn giúp thương hiệu doanh nghiệp lan tỏa tốt, giảm đáng kể chi phí marketing. Rất nhiều ngân hàng đang cung cấp các giải pháp này", ông Linh đánh giá.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Thiên Phú - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chia sẻ, khi sử dụng các giải pháp thanh toán điện tử, tất cả thông tin giao dịch của doanh nghiệp đều lưu trên hệ thống, doanh nghiệp không cần phải nhớ. Đến cuối kỳ thanh toán, doanh nghiệp chỉ cần chia sẻ link với ngân hàng là đã giải quyết được rất nhiều thủ tục và tiết kiệm thời gian.
Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp việc kinh doanh trôi chảy hơn. "Nếu khách hàng bên Mỹ hay châu Âu yêu cầu điều chỉnh L/C (thư tín dụng dùng để cam kết thanh toán) lúc 1 giờ sáng, doanh nghiệp chỉ cần lên website ngân hàng thay đổi, sáng sớm có người xử lý ngay mà không cần đến trực tiếp tại quầy ngân hàng", ông Phú dẫn chứng.
Những e ngại của doanh nghiệp...
Ông Phú cho rằng, các ngân hàng đang chuẩn bị nguồn lực rất lớn cho nền tảng thanh toán điện tử, nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp sử dụng. Trong số hơn 700.000 doanh nghiệp trên cả nước, mới có khoảng 20% số này đang sử dụng dịch vụ Internet banking tại Sacombank.
Về vấn đề bảo mật, những đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán điện tử đang đầu tư rất nhiều tiền để bảo mật thông tin cho doanh nghiệp, cũng như để bảo vệ uy tín đơn vị cung cấp. Việc lộ thông tin doanh nghiệp hay cá nhân liên quan nhiều đến vấn đề người dùng. "Có thể người dùng chủ động chia sẻ thông tin cá nhân hoặc các thông tin mã hóa cho phía khác, nhiều trường hợp là do bị lừa đảo", ông Diệp lý giải và lưu ý, các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán điện tử luôn có sẵn thông tin mã hóa của khách hàng nên chưa bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp.
Doanh nghiệp còn e dè trong xu hướng chuyển đổi số cũng không phải không có nguyên nhân. Chủ một doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM lo lắng, cũng muốn sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử nhưng e ngại vấn đề bảo mật và sợ bị bán dữ liệu doanh nghiệp. Đồng thời, hóa đơn từ 20 triệu đồng phải bắt buộc chuyển khoản qua ngân hàng, nếu dùng ứng dụng thanh toán thì sợ không hợp pháp.
Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó chủ tịch Ví điện tử Momo cho biết, cách đây 10 năm, Tổng cục Thuế đã có công văn cho phép các giao dịch thanh toán qua ví điện tử có giá trị như thanh toán qua ngân hàng, nên doanh nghiệp không phải lo.
Về vấn đề bảo mật, những đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán điện tử đang đầu tư rất nhiều tiền để bảo mật thông tin cho doanh nghiệp, cũng như để bảo vệ uy tín đơn vị cung cấp. Việc lộ thông tin doanh nghiệp hay cá nhân liên quan nhiều đến vấn đề người dùng. "Có thể người dùng chủ động chia sẻ thông tin cá nhân hoặc các thông tin mã hóa cho phía khác, nhiều trường hợp là do bị lừa đảo", ông Diệp lý giải và lưu ý, các đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán điện tử luôn có sẵn thông tin mã hóa của khách hàng nên chưa bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp.
Theo DoanhnhanSaigon.vn