DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

An và tịnh trong bản lĩnh doanh nhân

16/01/2018

Lời khuyên về bản lĩnh doanh nhân (DN) trong sự biến động khôn lường của thương trường.
Mục lục bài viết

     

    Thương pháp Đào Chu Công (*) - người đã đưa ra 16 lời khuyên cơ bản trong kinh doanh theo phương châm "người giàu có luôn hành sự theo đạo đức và đạo nghĩa", được cố GS-TS.Trần Kim Thạch hiện đại hóa trong "16 điều dặn dò cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam". Sách vừa được xuất bản sau khi GS-TS.Thạch qua đời 8 năm, hàm súc và thâm sâu nhưng có tính thời sự, là tác phẩm mà giới kinh doanh rất nên tham khảo.

    GS-TS. Trần Kim Thạch (1937-2009) là nhà địa chất hàng đầu Việt Nam. Ông từng là Tổng thư ký Hội Địa chất địa lý miền Nam trước 1975, Phó hiệu trưởng Đại học Khoa học Sài Gòn sau 1975, Trưởng Khoa Địa chất Đại học Tổng hợp TP.HCM, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học New York... Ông không chỉ để lại các tác phẩm nghiên cứu khoa học về địa chất địa lý mà còn nhiều tác phẩm khác có giá trị về lịch sử, sinh vật học, kinh tế...

    "16 điều dặn dò cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam" vừa được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM xuất bản lần đầu (tháng 12/2017). GS-TS. Thạch cho rằng doanh nghiệp là yếu tố cần thiết cho công cuộc giữ nước. 16 điều dặn dò là 16 quy luật về mua bán, tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với đặc thù doanh nghiệp và thị trường Việt Nam. Nhưng đúc kết của 16 điều nằm ở "Chủ yếu tâm an tịnh", là lời khuyên về bản lĩnh doanh nhân (DN) trong sự biến động khôn lường của thương trường.

    Cái tâm luôn phải an và tịnh, đó là bản lĩnh hơn người của DN vì tâm tính của họ phải luôn "bình như thủy". Một người nóng nảy, dễ bối rối, thường mất bình tĩnh thì không phải là DN. Chỉ khi an tịnh mới có được giải pháp đúng cho doanh nghiệp. DN thường tự nghĩ: chuyện đâu còn có đó, rồi ung dung suy nghĩ về giải pháp.

    An tịnh trong thành công: Sự thành công khi chưa xảy ra đã được dự báo bằng kế hoạch, bằng tổ chức và lao động sáng tạo. Lòng DN thanh thản nhờ biết lo xa, nghĩ rộng, đúng chỗ, đúng thời, không nảy ra lối giải quyết hấp tấp. Stress làm hại trí óc của DN muốn làm việc lớn và đi xa. Tự mãn là bắt đầu của thất bại. Mọi sự tự mãn sẽ đưa đến sự co cụm trong lối mòn, làm xói mòn óc sáng tạo của đội ngũ và bỏ lỡ thời cơ phát triển.

    An tịnh trong thất bại: Thất bại có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là thiên thời của kinh doanh. Nhưng nguyên nhân chủ quan dễ thấy hơn vì nó thuộc địa lợi cùng nhân hòa. Địa lợi không rõ bằng nhân hòa. Đối với người Việt, nhân hòa thường là nguyên nhân thất bại của doanh nghiệp vì tính cách của DN rất phức tạp. Để giải quyết thất bại, phải phân tích nguyên nhân, đi tìm giải pháp khắc phục, sửa sai để tiếp tục. Điều này mới biết kiên trì là quý.

    An tịnh trong khó nguy: Khó khăn thì nhẹ hơn thất bại nhưng xảy ra triền miên. Nó là mặt đối lập biện chứng của thuận lợi, nên thuận lợi chỗ này sẽ tạo khó khăn cho chỗ khác, nên không bao giờ hết khó khăn nếu ta còn nhận thuận lợi. Trong 16 điều, cái khó khăn nhất là đối thủ biết được và lợi dụng tối đa. Nó có thể đưa đến thất bại. Còn lại, khó khăn nào cũng khắc phục được nếu "tâm an tịnh" đi trước.

    Chuyển bại thành thắng là phương pháp mà binh pháp nêu "quân có vào đất chết mới sống". Cho nên DN học theo đó thì không mong gặp được thuận tiện để thành công. Họ xem khó khăn là cơ hội để trui rèn tinh thần, ý chí, cơ ngơi và sáng tạo. Trong đời sống, DN thành công sớm cũng sẽ dễ lụi tàn sớm. Cho nên mới có câu "tam thập nhi lập" (30 tuổi mới lập thân), cần đến 20 năm để thấu rõ khó khăn, học hỏi kinh nghiệm để đến "ngũ tuần tri thiên mệnh" (50 tuổi mới biết mệnh trời).

    Cái lợi của an tịnh giúp họ sẵn sàng đón nhận khó khăn, chuyển bại thành thắng. Tâm trí DN căng như sợi dây đàn kéo thẳng hết mức, nếu tâm không tịnh thì không có đủ kiên nhẫn để thành công, nên an tịnh tâm hồn trong thời đại này là lờn dặn số 1 cần giữ lấy.

    An tịnh trong phát triển: Phát triển doanh nghiệp và tạo ra cạnh tranh là hai mặt đối lập biện chứng của kinh doanh. Ta thắng đó thì cũng có người bại đó và ngược lại. Sự thăng trầm trong phát triển là thường tình nên cả hai đều phải nỗ lực. Sự nỗ lực đổ đầy nội lực mà hình thành, cộng thêm ngoại lực càng tốt (như hùn hạp, liên doanh, cổ phần hóa). Cho nên cần an tĩnh tâm hồn để biết rõ lúc nào cần thêm ngoại lực và trong thời gian bao lâu (cần - khẩn).

    Giữ an tịnh: Ung dung tích cực. Ngạn ngữ có câu "Hãy hấp tấp một cách chậm chạp". Đó cũng là lời khuyên DN bình tĩnh, nhưng không phải khuyên họ quên việc cạnh tranh để phát triển. Các bước giữ an tịnh với DN, theo GS-TS. Thạch, là luôn luôn nghĩ và tin rằng thăng trầm là việc bình thường.

    Thăng không kiêu, trầm không lo. DN cần soát xét cán cân lực lượng, gồm nội lực sẵn có và có thể huy động (vốn, con người, sản phẩm, đường hướng); và ngoại lực có, có thể có, có thể huy động thêm hoặc chưa có. Với 16 lời khuyên, soát lại điểm yếu của nội lực để bổ sung, kiện toàn; rà soát thị trường, thị phần, người mua để đưa ra kết luận và hành động ngay, không chần chừ.

    Kinh doanh trong tâm thế "ung dung tích cực và liên tục" khác với cái ung dung hưởng nhàn của nhà nho. Không để sự bối rối chen vào tâm trí, không để sự bàn bạc, luận đàm êm dịu thành giận dỗi, cau có. Những biến chứng tinh thần tiêu cực chỉ làm hại đại cuộc bởi nó làm cho sức mạnh thần kinh hướng về nẻo khác, không đúng chỗ đấu tranh với đối thủ. Người làm mất bình tĩnh hoặc tự làm mình mất bình tĩnh chính là tay sai nội tuyến của đối thủ (mà không hay), tự phá sập mình.

    (*) Tức Phạm Lãi, một danh sĩ của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đóng góp mưu lược cho chiến thắng của nước Việt và phát huy tính mưu lược trong thời bình, đã lãnh đạo nhân dân kinh doanh, làm cho dân giàu nước thịnh. Ông để lại bộ sách 16 chương dạy người Trung Quốc kinh doanh.

     

     

     

     

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện