Câu chuyện thất bại của startup Rethink Robotics
Việc tạo ra một sản phẩm đi trước (nhưng không phù hợp) thời đại, hoặc một sản phẩm là phiên bản lỗi của một sản phẩm thành công khác trong tương lai cũng chẳng phải hiếm. Xu hướng và công nghệ của tương lai là một điều rất khó dự đoán. Vì vậy, thật khó để một doanh nghiệp, một cá nhân có thể quyết định nên tấn công vào thị trường nào.
Trong lĩnh vực robot, những cuộc thử nghiệm thất bại của các công nghệ mới đã cho các công ty thấy được rằng đầu tư vào lĩnh vực này không hề đơn giản một chút nào.
Viễn cảnh về việc robot tồn tại xung quanh con người, giúp con người giải quyết công việc hay trợ giúp trong cuộc sống hằng ngày đã có từ lâu với những nhà tư tưởng nổi tiếng như Isaac Asimov. Những năm gần đây, điều này có lẽ đã sắp trở thành hiện thực.
Tự động hóa đã thành một phần không thể thiếu trong rất nhiều ngành công nghệ sản xuất, và những ngành khác cũng đang muốn ứng dụng lao động máy móc vào trong quy trình để thay thế con người. Trong bối cảnh đó, Rethink Robotics ra đời (2008) với những ý tưởng riêng về khả năng mà một con robot có thể làm.
Rethink Robotics được thành lập bởi Ann Whitaker và Rodney Brooks với nỗ lực cải thiện những thiếu sót của các robot hiện thời. Rethink Robotics đã cho ra đời 2 sản phẩm robot cộng tác là Baxter (2011) và Sawyer (2015).
Hai nhà sáng lập nhận thấy rằng mặc dù các robot hiện tại có thể hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ máy móc mà con người giao cho, nhưng chúng lại không thể giải quyết những vấn đề phức tạp hoặc cần sự thích nghi. Không chỉ vậy, khu làm việc của robot còn thường tách biệt hoàn toàn với khu làm việc của con người.
Chính vì vậy, 2 robot mới được thiết kế để khắc phục các nhược điểm này. Chúng có thể giao tiếp với con người và đủ an toàn để làm việc cạnh họ.
Khởi đầu của Rethink rất tươi sáng khi họ xuất hiện trên trên hai tờ New York Times và Time. Sản phẩm của Rethink được nhận định là tương lai của ngành robot. Công ty cũng gọi được hơn 149 triệu đô tiền vốn trong suốt thời gian hoạt động.
Mặc dù vốn và việc quảng bá là hai chìa khóa dẫn đến thành công, tuy nhiên chúng không hề đảm bảo sẽ có thành công. Và Rethink chính là điển hình cho điều trớ trêu ấy. Cả tiền bạc và sự chú ý của truyền thông cũng không thể thay đổi được vận mệnh của công ty khi Rethink thông báo đóng cửa vào tháng 10 năm 2018. Các công ty đối thủ ngay lập tức thuê lại nhân viên của Rethink và chộp lấy các bằng sáng chế của họ. Vậy nên những ‘hạt giống’ mà Rethink đã gieo xuống vẫn có thể tiếp tục trong tương lai.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của một startup tiềm năng như vậy? Có khá nhiều ý kiến, tuy nhiên theo Techcrunch, doanh số bán hàng thấp là nguyên nhân chủ chốt dẫn đến thất bại. Phát biểu này được lấy cơ sở từ một bản tuyên bố Rethink gửi đến báo chí.
Trong bài phân tích, tờ The Robot Report cho rằng các vấn đề kỹ thuật đã làm giảm độ chính xác của robot, trong khi đây là yếu tố quan trọng để đánh giá robot. Bài báo này cũng chỉ ra rằng Rethink đã thất bại trong việc thiết kế Baxter và Sawyer để đáp ứng nhu cầu của thị trường công nghiệp đương thời. Từ đó, những lỗ hổng trong việc giáo dục, đào tạo và nghiên cứu của công ty cũng được tìm thấy.
Rethink cũng thiếu nhiều yếu tố mà các hãng robot khác có thể nắm bắt được, đó là giao dịch với các tầng lớp giàu có. Scott Eckert, CEO của Rethink, cho biết một phi vụ giành giật thất bại đã dẫn đến sự sụp đổ đột ngột của startup này. Theo Techcrunch, vận mệnh của Rethink có lẽ đã khác nếu họ gặp đúng thời, chẳng hạn như thời đại mà Amazon và Google đang rất cần các công ty robot như hiện nay.
Với sự xuất hiện và ra mắt của nhiều công nghệ mới, Rethink và một số công ty khác có lẽ đã rất khó khăn khi phải vừa giữ giá cả ổn định, vừa đợi cho cộng đồng có thể bắt kịp sáng tạo của mình. Dĩ nhiên điều này không phủi sạch hết những sai lầm của Rethink, với bằng chứng là vẫn có rất nhiều công ty robot thành công. Tuy cách biệt giữa sai lầm và thành công rất nhỏ, nhưng đó là một thử thách khổng lồ, nhất là trong bối cảnh công nghệ robot vẫn đang trong quá trình định hình như hiện nay.
Hải Vy (Theo Forbes)