Doanh nghiệp Việt cần ổn định nội bộ và minh bạch với cổ đông
Theo báo cáo năm 2019 của Morningstar, các quỹ đầu tư xem trọng yếu tố quản trị, đóng góp xã hội và hạn chế tác động môi trường đã đón nhận thêm 20,6 tỷ USD dòng vốn đầu tư mới, cao gấp 4 lần năm 2018, lập kỷ lục từ trước tới nay.
Bức tranh thu hút FDI của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo đó, để thu hút đầu tư, yếu tố đầu tiên mà DN Việt phải cải thiện chính là công tác quản trị, mà cụ thể là hoạt động xây dựng Hội đồng quản trị (HĐQT) và ban điều hành DN vận hành một cách quy củ, minh bạch, cân bằng cũng như được kiểm soát quyền lực.
Thua kém các láng giềng
Tại Diễn đàn quản trị thường niên 2019 do Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) phối hợp IFC, SECO và Chính phủ Nhật Bản tổ chức hồi cuối năm 2019, nhiều chuyên gia đã có ý kiến về những câu chuyện quản trị nội bộ của DN Việt Nam. Chính các vấn đề nội tại là yếu tố làm suy yếu DN theo thời gian, kiềm hãm mục tiêu vươn ra quốc tế. Tại Việt Nam, nhiều DN là công ty gia đình nhưng có sức mạnh kinh tế, tiềm lực tài chính kinh doanh rất lớn.
Theo thống kê của Forbes, 100 DN gia đình lớn nhất Việt Nam, với những cái tên nổi bật như Vingroup, Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Thành Thành Công, Gốm sứ Minh Long, đóng góp khoảng 25% GDP cả nước. Tất nhiên, không phải DN gia đình nào cũng "xào xáo", và vì thế, họ đã phát triển mạnh.
Bên cạnh những DN ngày càng có tên tuổi trên trường quốc tế thì thời gian qua, các DN Việt dù có sự tăng trưởng mạnh về số lượng, song chất lượng vẫn còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu. Một trong những nguyên nhân cơ bản là năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị DN còn hết sức hạn chế.
Theo kết quả đánh giá thực tế quản trị DN khu vực ASEAN giai đoạn 2017-2018, điểm quản trị DN trung bình ở Việt Nam đạt 41,3 điểm so với điểm trung bình trong toàn khu vực ASEAN là 71,01 điểm. Các vấn đề khiến mức điểm của DN Việt Nam thấp hơn khu vực xoay quanh tính minh bạch trong niêm yết thông tin, đáp ứng các thông lệ quốc tế và minh bạch thông tin với cổ đông.
Khi so sánh với các quốc gia khác trong khu vực, điểm trung bình của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ tương đương một nửa điểm số của Thái Lan là nước đang dẫn đầu về điểm quản trị DN trong các nước ASEAN.
Chỉ số Quản Trị DN thấp, vì đâu nên nỗi?
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), DN Việt đạt điểm số trung bình vì các tiêu chí liên quan đến quyền của cổ đông khá thấp, trong khi đây chính là phần có điểm cao nhất. Còn theo một khảo sát của Bộ Công Thương hồi năm 2019, chỉ có khoảng 23% DN Việt Nam hiện nay hiểu về khái niệm, nguyên tắc quản trị DN đúng nghĩa. Theo kết quả khảo sát, đa phần lãnh đạo DN vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm quản trị và quản lý điều hành.
Khảo sát cũng chỉ ra các hạn chế của DN trong nước hiện liên quan đến hoạch định chiến lược, kỹ năng quản trị, kế toán - tài chính, marketing và sản xuất. Cụ thể hơn, các vấn đề này thường không thông suốt giữa những người đứng đầu và các cấp quản lý, nhân sự phía dưới.
Quản trị DN (Corporate Governance - CG) là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát toàn bộ DN. Đây là mấu chốt để DN lớn mạnh từ gốc, đủ sức bơi ra biển lớn, chơi chung và giao thương quốc tế. Vấn đề là, Việt Nam không có nhiều DN hội đủ các yếu tố này.
Quản trị DN tốt có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên sự hài hòa trong mối quan hệ giữa HĐQT, ban giám đốc (BGĐ), các cổ đông và bên có quyền lợi liên quan thuộc DN, từ đó tạo nên định hướng và sự kiểm soát tiến trình phát triển. Quản trị tốt sẽ thúc đẩy hoạt động và tăng cường khả năng tiếp cận của DN với nguồn vốn nước ngoài, góp phần tích cực vào việc tăng cường giá trị DN, tăng cường đầu tư và phát triển bền vững.
Muốn ra biển lớn… cần minh bạch từ HĐQT
Trong nền kinh tế thị trường, một công ty có nhiều đối tượng hưởng lợi và những đối tượng này được phân chia thành các nhóm có lợi ích xung đột với nhau. Quản trị DN là việc cân bằng các ảnh hưởng đó cho DN một cách tối ưu, nhằm phát huy tính hiệu quả, công khai, minh bạch, góp phần bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn và cải thiện sức cạnh tranh cho bản thân DN.
Nhiều thực tế đáng lưu ý được chỉ ra thời gian qua là tại không ít DN, xảy ra tình trạng tập trung quyền lực vào một nhóm người, trong khi các biện pháp phòng ngừa rủi ro chưa phát huy hiệu quả.
Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) từng nhận định, nhiều công ty đại chúng ở Việt Nam được kiểm soát bởi một cổ đông duy nhất hoặc một nhóm cổ đông - những người chi phối các hoạt động và kiểm soát việc quản lý công ty. Các nhà đầu tư hay chủ sở hữu còn lại thường bị "đẩy" vào vị thế thứ yếu, thiếu nguồn lực và thông tin để giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ mình trước sự lạm dụng có thể xảy ra từ phía cổ đông lớn.
Có thể thấy, DN cần nâng cao tính độc lập và hiệu quả thực thi vai trò của HĐQT, thông qua việc đảm bảo tỷ lệ thành viên độc lập và xây dựng các ủy ban chuyên trách trực thuộc HĐQT. Điều này nhằm đảm bảo hiệu quả làm việc, kiểm soát quyền lực của HĐQT và BGĐ, hạn chế tình trạng thao túng, lợi dụng vị trí.
Bên cạnh đó, có không ít trường hợp xảy ra mâu thuẫn lợi ích trong DN, khi HĐQT và BGĐ sử dụng nguồn lực của DN để phục vụ lợi ích riêng (chuyển nhượng hoạt động cho công ty có liên quan cá nhân, tận dụng nhân lực – tài sản phục vụ mục đích cá nhân…). Chính điều này dẫn tới những bất bình trong nội bộ DN, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động sản xuất – kinh doanh, cũng như diễn biến giá cổ phiếu của DN niêm yết.
Đáng chú ý, tính minh bạch luôn được đề cập đến một cách rộng rãi trong thông lệ quốc tế như một tiêu chí hàng đầu để đánh giá kỷ luật và hiệu quả quản trị của DN. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thiếu minh bạch vẫn là câu chuyện thường xuyên được nhắc đến. Trong đó, minh bạch trong cơ chế giao tiếp, chia sẻ với cổ đông là yêu cầu hàng đầu.
Những hiệp định giao thương quốc tế đã ký kết mở ra nhiều cơ hội lẫn thách thức, DN trong nước có thêm nhiều cơ hội bởi qua đó, có thêm nhiều đối tác. Một DN cũng như một cơ thể, đủ khoẻ mạnh, minh mẫn và hiểu biết cuộc chơi thì mới đủ sức giong buồm ra biển lớn.
Nguồn: doanhnhansaigon