Nghệ thuật lãnh đạo: 3 bước để biến ý tưởng thành hiện thực
Theo Nancy Duarte - tác giả sách HBR Guide to Persuasive Presentations (tạm dịch: Bí quyết trình bày thuyết phục) điểm chung của những nhà lãnh đạo tiên phong là thuyết phục người khác nghe theo họ trước khi cùng họ dấn thân vào những điều mơ hồ, chưa được kiểm chứng.
Sau quá trình nghiên cứu, Duarte cùng các nhà khoa học khác rút ra kết luận: Tất cả nhà lãnh đạo của những phong trào làm thay đổi thế giới, từ Martin Luther King Jr. cho đến Steve Jobs, đều trải qua 3 giai đoạn khó khăn để biến ý tưởng thành hiện thực. Tương ứng với mỗi giai đoạn, họ luôn đưa ra cách thức lãnh đạo phù hợp.
Dưới đây là 3 cách đơn giản giúp các nhà lãnh đạo vượt qua khó khăn và đạt được thành công, được Nancy Daurte và Patti Sanchez - hai tác giả của sách Illuminate giới thiệu
1. Chia sẻ tầm nhìn (Beginning)
Ban đầu, bạn chia sẻ ý tưởng của mình với mọi người và thuyết phục họ cùng khai phá những điều mới mẻ. Bởi, dù là người có tầm nhìn, có khả năng đề ra chiến lược thì bạn vẫn cần những yếu tố khác (nhân viên, đối tác, khách hàng, các nhà đầu tư,...) để hỗ trợ và biến ước mơ của bạn thành hiện thực.
Bạn sẽ hành động như một người cầm đuốc soi sáng con đường dẫn đến đích bằng cách giúp những người khác hiểu nơi họ đang đứng và hình dung ra chặng đường sắp tới. Bạn nên chia sẻ tầm nhìn theo cách sống động và thuyết phục để tạo niềm tin nơi mọi người.
Vào mỗi đầu năm, CEO của các tổ chức lớn đều có bài phát biểu trước toàn thể thành viên của tổ chức, chính là để chia sẻ tầm nhìn, định hướng hoạt động của tổ chức trong cả niên khóa.
Ba giai đoạn khó khăn đối với các nhà lãnh đạo. Ảnh: Sách Illuminate
Hãy cho họ thấy những phần thưởng có được trong tương lai bắt nguồn từ chính sự mạo hiểm ngày hôm nay, và cũng nên thông báo họ biết về những hy sinh cần có để họ hiểu mình đang lao vào điều gì.Sau đó, việc cần làm là tiếp tục tiến về phía trước và truyền cảm hứng cho mọi người, đề ra mục tiêu và trách nhiệm mới cho họ. Nhiệm vụ này không hề đơn giản bởi con người thường có xu hướng từ chối điều trái ngược với thế giới của họ, do đó bạn cần vẽ nên bức tranh hấp dẫn, trong đó chứa đựng thành quả mà họ sẽ đạt được, nhằm lôi kéo sự ủng hộ của nhiều người.
Năm 2005, trong một bài phát biểu trước các lập trình viên của Apple, Steve Jobs đã tuyên bố rằng hệ điều hành Mac OS sẽ không còn được sử dụng cho bộ vi xử lý PowerPC và sẽ chuyển sang nền tảng Intel. Đây là một sự thật khó chấp nhận với các lập trình viên công ty, nhưng Jobs đã nhắc họ nhớ đến việc Apple đã thành công thế nào trong những lần chuyển đổi trước đó, và giải thích rằng sự thay đổi này sẽ giúp họ "tiếp tục vượt qua những giới hạn mới".
2. Vực dậy tinh thần đồng đội (Middle)
Tiếp đến, là giai đoạn căng thẳng khi ý tưởng kinh doanh đầu tiên gặp thất bại, đối thủ gây sức ép cạnh tranh, nội bộ nhân viên xảy ra mâu thuẫn... Khi đó, với vai trò là nhà lãnh đạo, bạn có trách nhiệm nhắc nhở mọi người về tình hình khó khăn của công ty và động viên họ cùng vượt qua khó khăn.
Năm 1999, Jack Ma - nhà sáng lập của Alibaba, đã tập hợp nhân viên lại để lắng nghe suy nghĩ của mọi người về ý tưởng sáng tạo ra công nghệ mới và khuyến khích họ nỗ lực hơn để chiến thắng đối thủ. Ông nói: "Nếu chúng ta là một đội ngũ giỏi và biết mình muốn gì thì mỗi người trong chúng ta có thể đánh bại 10 người trong số họ. Chúng ta có thể đánh bại những công ty lớn nổi tiếng dựa vào tinh thần sáng tạo của mình".
Dù vậy, không thể phủ nhận tình trạng khó khăn sẽ tiếp diễn và làm giảm sự nhiệt tình của những người khác. Lúc này, bạn cần tiếp thêm sinh lực cho mọi người bằng cách công nhận sự tiến bộ của họ, đồng thời nhắc họ nhớ lại những thành quả quan trọng mà cả nhóm đã đạt được và chúc mừng những chiến thắng nho nhỏ đó trong khi vẫn không quên hướng về mục tiêu lớn phía trước.
3. Ăn mừng chiến thắng (End)
Những chiến thắng (dù lớn hay nhỏ) cũng góp phần làm thay đổi chặng đường trước mắt và biến giấc mơ của bạn trở thành hiện thực. Do đó, hãy cùng mọi người ăn mừng những thành quả đó và rút ra bài học kinh nghiệm chuẩn bị cho những hành trình tiếp theo.