DOANH NHÂN VIỆT NAM VCEO
KIẾN TẠO CƠ HỘI - KẾT NỐI THÀNH CÔNG

Những kỹ năng nhất định phải có để không thất nghiệp trong thời đại 4.0

25/11/2020

Xu hướng nghề nghiệp không ngừng chuyển dịch, sẽ có những nghề hot trong 5-10 năm tới và những nghề mất đi vị trí độc tôn. Để không bị đào thải, rơi vào tình trạng thất nghiệp mà ngược lại, còn có thể thành công trong sự nghiệp thì bạn cần phải thường xuyên làm mới mình, học hỏi và tích lũy thêm nhiều kỹ năng mới.
Mục lục bài viết

    Dưới đây là 7 kỹ năng dự đoán sẽ lên ngôi, được nhà tuyển dụng “săn lùng” nhiều nhất trong những năm sắp tới khi phỏng vấn ứng viên và là tiêu chí để nhà quản lý đưa ra các quyết định thăng tiến đối với nhân viên cấp dưới.

    1. Kỹ năng làm việc nhóm

    Nghe có vẻ đơn giản và vô cùng quen thuộc nhưng không phải ai cũng có thể làm việc hòa hợp với người khác trong một tổ chức, đặc biệt là trong những môi trường làm việc đa quốc gia – nơi có nhiều sự khác biệt về văn hóa. Muốn có kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, bạn cần phải chủ động tham gia nhiều dự án, kết nối với đồng nghiệp thường xuyên để hiểu nhau và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Có như vậy, khi được phân công vào một nhóm làm việc bất kỳ, bạn đều có thể nhanh chóng hòa nhập và phối hợp nhịp nhàng với tất cả mọi người.

    2. Kỹ năng phán đoán cảm xúc

    Kể cả hiện tại hay 5 năm nữa thì trí thông minh cảm xúc (hay nói cách khác là khả năng phán đoán và thấu hiểu cảm xúc của người đối diện) vẫn luôn cần thiết trong công việc. Đây là kỹ năng không thể bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo. Vì thế, nếu bạn làm chủ được kỹ năng này thì chắc hẳn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao và cấp trên tương lai vô cùng yêu quý.

    3. Kỹ năng sáng tạo

    Giữa sự phát triển như vũ bão về mặt công nghệ mà điển hình phải kể đến là sự ra đời của trí tuệ nhân tạo AI, người lao động bắt buộc phải sáng tạo ra những cách thức làm việc mới nếu không muốn mình trở nên lỗi thời và bị đào thải. Sự sáng tạo cũng là một trong những tiêu chuẩn được dùng để đánh giá năng lực của nhân viên, bạn chỉ thực sự tỏa sáng khi có những ý tưởng khác biệt, đem lại lợi ích cho tổ chức.

    4. Kỹ năng quản lý con người

    Kỹ năng này đặc biệt quan trọng đối với những ai đang đảm nhiệm các vị trí cao trong tổ chức, chẳng hạn như Leader, Manager hay Director. Quản lý con người không phải dựa vào các chỉ tiêu đánh giá để thúc ép nhân viên làm việc mà nhà lãnh đạo phải biết cách tạo động lực để nhân viên cảm thấy hứng thú và chủ động trong công việc, từ đó nâng cao hiệu suất. Cạnh tranh về nguồn nhân lực ngày càng gia tăng, nếu nhà lãnh đạo không linh hoạt thay đổi mà chỉ bảo thủ với duy nhất một cách quản lý kiểu “khủng long bạo chúa” thì sớm muộn gì, nhân tài cũng lần lượt ra đi.

    5. Kỹ năng thương lượng

    Khi nhắc đến kỹ năng thương lượng, nhiều người sẽ ngay lập tức mặc định rằng kỹ năng này chỉ cần thiết đối với những người làm trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, trong những năm sắp tới, nhu cầu về nhân viên có kỹ năng đàm phán, thương lượng sẽ gia tăng đáng kể ở tất cả các loại ngành nghề, nổi bật nhất là ngành toán – tin với các vị trí như nhân viên phát triển phần mềm, nhân viên phân tích dữ liệu…

    6. Kỹ năng đánh giá ra quyết định

    Bên cạnh sự trợ giúp đắc lực từ công nghệ, mỗi cá nhân cần trau dồi khả năng tổng hợp thông tin và đưa ra phân tích, đánh giá dựa trên các số liệu, thông tin thu thập được. Việc này sẽ giúp cho các quyết định đảm bảo tính chính xác và hiệu quả. Nếu muốn được thăng tiến lên làm nhà quản lý trong những năm sắp tới, hãy chứng tỏ bạn là người dẫn dắt đáng tin cậy, luôn có những quyết định đúng đắn, đặc biệt là khi công ty rơi vào những tình huống khó khăn.

    7. Kỹ năng phục vụ khách hàng

    Thái độ phục vụ khách hàng là yếu tố rất được quan tâm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp. Chỉ cần một chút sai sót cũng có thể dẫn đến các cuộc khủng hoàng truyền thông, khiến doanh nghiệp lao đao, đặc biệt là trong bối cảnh mạng xã hội đóng vai trò chủ đạo như hiện nay. Hãy học cách kiên nhẫn, luôn thân thiện với tất cả mọi người, kể cả bạn không làm những công việc như Nhân viên kinh doanh hay Nhân viên chăm sóc khách hàng thì cách xử sự của bạn vẫn vô tình là thước đo được khách hàng sử dụng để đánh giá về doanh nghiệp. Đừng tạo rắc rối không cần thiết trong sự nghiệp của chính mình, phòng cháy vẫn hơn là chữa cháy.

    Nguồn: iconicjob.vn

    Bài viết khác
    ĐĂNG KÝ ĐĂNG NHẬP
    Zalo
    Gọi điện