Thị trường máy tính bảng "hồi sinh" nhờ Covid-19
Khoảng 2-3 năm trước, thị trường máy tính bảng tại Việt Nam vô cùng ảm đạm khi đây chỉ là cuộc chiến "tay đôi" giữa Apple và Samsung. Vào thời điểm đó, nhiều ông lớn đã tạm ngừng sản xuất máy tính bảng Android, thị phần của máy tính bảng gần như bị Apple nuốt trọn. Tuy vậy, do sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhu cầu học tập và làm việc từ xa của người dùng cũng tăng cao. Điều đó đã giúp cho thị trường máy tính bảng được "hồi sinh". Không chỉ riêng tại Việt Nam, nhu cầu của người dùng trên toàn thế giới đối với mặt hàng này đã tăng mạnh trong năm 2021.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường IDC, có đến 39,9 triệu chiếc máy tính bảng đã được bán ra trong nửa đầu 2021. Những mẫu máy tính bảng màn hình lớn thậm chí đã trở thành loại sản phẩm "thiết yếu" đáp ứng hàng loạt công việc của người dùng trong mùa giãn cách. "Nhiều chính phủ và trường học đã đầu tư ngân sách để mua sắm máy tính bảng nhằm phục vụ hoạt động học tập từ xa. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến cho doanh số của mặt hàng này tăng cao, đặc biệt là ở các thị trường như Mỹ, Tây Âu và châu Á", Anuroopa Nataraj, chuyên viên cấp cao tại IDC nhận định.
Cũng theo chia sẻ từ các chuyên gia, máy tính bảng được ưa chuộng nhờ thiết kế nhỏ gọn và có thể sử dụng một cách linh hoạt. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm, tăng giá của nhiều loại linh kiện máy tính cũng khiến cho máy tính bảng trở thành một lựa chọn thay thế hoàn hảo, tiết kiệm chi phí. Tại Việt Nam, thị trường máy tính bảng năm 2021 cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết với sự trở lại của hàng loạt ông lớn như Huawei, Lenovo và Xiaomi, bên cạnh iPad của Apple và Galaxy Tab của Samsung.
Những thiết bị mới cũng liên tục được các hãng giới thiệu ra thị trường, trải dài từ phân khúc giá rẻ cho tới cao cấp. Hiện tại, chỉ với số tiền từ 3-4 triệu đồng, người dùng tại Việt Nam đã có thể dễ dàng lựa chọn nhiều mẫu máy tính bảng khác nhau để phục vụ công việc hoặc học tập.
Trao đổi với Dân trí, đại diện nhiều hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam cho biết, trong giai đoạn giãn cách, một số dòng sản phẩm như iPad hay Samsung Galaxy Tab còn rơi vào tình trạng "cháy hàng", cung không đủ cầu. Nguyên nhân được cho là đến từ nguồn hàng khan hiếm ngay từ đầu nước ngoài, nhà sản xuất không đủ linh kiện để lắp ráp và tình trạng ùn tắc hàng hóa. Với những tín hiệu tích cực như vậy, người dùng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các nhà sản xuất sẽ trở lại mạnh mẽ hơn và ra mắt nhiều mẫu máy tính bảng mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.