Doanh nghiệp nên làm gì trước nhu cầu mới của nhân viên sau đại dịch?
Theo một nghiên cứu mới do Slack thực hiện, phần lớn nhân viên văn phòng có kỹ năng cao không còn muốn quay lại làm việc toàn thời gian tại văn phòng.
Dữ liệu từ một khảo sát trên 9.032 nhân viên tri thức ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật và Úc cho thấy chỉ 12% muốn quay lại làm việc toàn thời gian trong văn phòng. 72% muốn tiếp tục với làm việc kết hợp giữa tại văn phòng và từ xa.
Tương đồng với kết quả nghiên cứu của Slack, IBM cũng nhận kết quả 75% lao động muốn tiếp tục làm việc tại nhà, ít nhất một phần thời gian trong ngày. Tập đoàn tư vấn Boston cũng tuyên bố 60% nhân sự được khảo sát ở Mỹ, Đức và Ấn Độ muốn có sự linh hoạt về thời gian hoặc địa điểm làm việc.
Nghiên cứu gần đây của Gallup và Quantum Workplace cho thấy mức độ gắn bó với công ty của các nhân viên ở Mỹ đã tăng nhanh kỷ lục kể từ khi đại dịch diễn ra. Ảnh: Steelcase.
Theo Slack, 51,6% người lao động cho biết làm việc từ xa giúp họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn, chỉ 17,8% cho rằng tình trạng đang tệ đi.
Đáng chú ý, nhìn chung chúng ta đang hạnh phúc hơn khi làm việc: 45,8% cho biết mức độ hài lòng với công việc đang cải thiện, so với 20% người lao động bất mãn hơn với việc làm của mình. Phân tích của Slack cũng cho thấy 74,5% người lao động cảm thấy năng suất làm việc không thay đổi, hoặc thậm chí được cải thiện.
Độ hài lòng của nhân viên cũng tỷ lệ thuận với mức độ gắn kết với doanh nghiệp. Nghiên cứu của Gallup và Quantum Workplace cho thấy mức độ gắn bó với công ty của các nhân viên ở Mỹ đã tăng kỷ lục kể từ khi đại dịch diễn ra. Mức tăng này chắc chắn có liên hệ với cảm giác hài lòng khi làm việc từ xa.
Gallup cho biết trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, những nhân viên làm việc bên ngoài 3-4 ngày một tuần có mức độ gắn kết với công ty cao hơn những người làm việc hoàn toàn từ xa hoặc tại văn phòng.
Vì sao điều này lại quan trọng? Sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp sẽ giúp thúc đẩy kết quả kinh doanh, dẫn đến gia tăng mức độ hài lòng của khách hàng, năng suất và sự sáng tạo. Tất cả những điều trên sẽ thúc đẩy lợi nhuận: Mức độ gắn kết của nhân viên cao sẽ giúp thu nhập vận hành tăng tới 19,2% và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) lên tới 147%, theo kết quả khảo sát.
Kết quả nghiên cứu của Slack không chỉ là tin tốt cho nhân viên mà cả các nhà tuyển dụng. Doanh nghiệp cần lắng nghe 72% những người lao động muốn tiếp tục với phong cách làm việc kết hợp văn phòng và từ xa. Lợi nhuận và hiệu suất làm việc của cả bộ máy sẽ chỉ tăng cao khi nhân viên được chọn nơi chốn làm việc cho mình.
Việc quay trở lại cách thức làm việc trước đại dịch là một lựa chọn tồi. Một nghiên cứu năm 2019 của Owl Labs cho thấy 55% nhân viên làm việc từ xa sẽ đổi việc nếu không còn được làm việc từ xa, mặt khác 12% có khả năng ở lại công ty cao hơn khi được chọn làm việc từ xa theo ý thích.
Khi ngày càng nhiều người được trải nghiệm làm việc từ xa, việc buộc nhân viên quay lại làm việc tại văn phòng sẽ khiến họ có xu hướng nghỉ việc. Chỉ các công ty mang tới phong cách làm việc kết hợp mới giành chiến thắng trong cuộc đua thu hút nhân tài, mang lại cho họ lợi thế so với các đối thủ còn đang mắc kẹt trong cách làm việc cũ.
Tuy vậy làm việc từ xa vẫn vấp phải nhiều thách thức. Nghiên cứu của Slack cho thấy nhiều người lo ngại việc không được tiếp xúc với đồng nghiệp và duy trì các mối quan hệ đã có. Nhưng có thể thấy các lợi thế cao hơn khi doanh nghiệp cho nhân viên lựa chọn vị trí, thời gian làm việc sẽ là nhóm tạo nên các tiêu chuẩn mới của một thế giới “bình thường mới” trong tương lai gần.
Nguồn: forbesvietnam.com.vn