Tránh tình trạng "lạm phát do tâm lý"
Không thể chủ quan với CPI khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2020 tăng 4,19% so với bình quân cùng kỳ năm 2019, trở thành mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020.
"Việc giữ tốc độ tăng CPI ở mức dưới 4% trong năm 2020 như chỉ tiêu Quốc hội thông qua là một mục tiêu rất khó thực hiện", PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính nhận xét.
Theo ông Thịnh, giá các mặt hàng thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2020 tăng 14,28% so với cùng kỳ năm 2019 đã khiến CPI tăng 3,23%, trong đó riêng giá thịt lợn tăng với mức rất cao: 68,2%.
Thêm nữa, trong quý I/2020, giá điện sinh hoạt tăng gần 10%, nước sinh hoạt tăng 4,75%, nên dù trong tháng 5 giảm 0,28% so với tháng 4 và tháng 6 giảm 2,72% so với tháng 5, nhưng tác động đến CPI vẫn cao. Trong thời gian qua, giá xăng, dầu giảm 19,49% đã làm CPI chung giảm 0,81%, trong khi giá gas giảm 3,63%, nhưng trong tháng 6 đã tăng 14,24%.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ cần xem xét đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá, yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai giá, thực hiện triệt để Luật Giá.
Nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu trở lại trạng thái "bình thường mới" sau đại dịch Covid-19, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh việc xây dựng và điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật là rất cần thiết để làm cơ sở xác định giá hàng hóa, dịch vụ, như y tế, giáo dục... theo đúng lịch trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá và lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Điểm tích cực là tính từ đầu năm đến nay, VND chỉ mất giá so với USD là -0,47% và JPY là -1,34%, nhưng lên giá so với CNY là +1,97%, KWR +5,78%, GBP +6,35%, EUR +0,51 - theo thông tin từ SSI Research. VND đã tăng giá khoảng 0,6% so với USD trong cả tháng 5, ghi nhận hai tháng liền lấy lại gần như toàn bộ phần giá trị đã mất trong tháng 3.
n.vn
Giá thịt lợn tăng phi mã khiến CPI tăng cao, cần xem xét để đưa vào diện bình ổn giá |
Thế nhưng, để làm cơ sở cho việc kìm giữ CPI, theo TS. Thịnh, cần tiếp tục theo dõi biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng tiền Việt Nam.
Tăng trưởng sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của doanh nghiệp và dân cư, tránh tình trạng "lạm phát do tâm lý". Theo ông Thịnh, kiểm tra chặt chẽ các yếu tố hình thành giá đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tránh việc điều chỉnh giá, tăng giá bất hợp lý. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động đến mặt bằng giá của nền kinh tế.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cũng đề cập, đối với hàng hóa được mua sắm bằng tiền từ ngân sách nhà nước, hàng hóa dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ phục vụ công ích cần được kiểm tra tính xác thực, tính đầy đủ và chính xác. Với những hàng hóa, dịch vụ có thể đấu thầu cần tổ chức đấu thầu mua sắm để đảm bảo tính cạnh tranh, tính hiệu quả và công bằng.
Theo DoanhnhanSaigon.vn