Làm gì để loại bỏ rủi ro hình sự trong điều hành doanh nghiệp?
Điều này đang thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam có hệ thống nhận diện và quản trị pháp lý tốt hơn, nhằm loại bỏ những rủi ro hình sự trong điều hành doanh nghiệp.
Cùng với quy định này, từ ngày 1/1/2018, nhiều quy định về hành chính - dân sự trước đây đã được "nâng cấp" lên thành xử lý hình sự như doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, tham nhũng trong khu vực tư, vi phạm về thuế - kế toán...
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng "thượng tôn pháp luật" hiện nay, các chủ doanh nghiệp Việt Nam cần cập nhật và hiểu rõ các thay đổi pháp lý liên quan đến môi trường kinh doanh trong nước.
Dưới đây là những lời khuyên từ các chuyên gia tư vấn luật tại hội thảo "Loại bỏ rủi ro hình sự, doanh chủ cần làm gì?" diễn ra vào ngày 13/1 vừa qua do LP Group tổ chức.
Thế nào là pháp nhân thương mại?
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015:
1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là gì?
33 tội danh pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 214 và Điều 215 Bộ luật Hình sự 2015 và Khoản 11 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017. Trong đó, phần lớn các tội danh liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân thương mại như tội trốn thuế; tội buôn lậu; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động... Ngoài ra, có những tội danh ít liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của pháp nhân thương mại như: tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.
Theo Điều 75 BLHS năm 2015, điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại gồm:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định tại Điều 33 BLHS năm 2015:
- Hình phạt chính: Phạt tiền; Đình chỉ hoạt động có thời hạn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
- Hình phạt bổ sung: Cấm kinh doanh; cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; Cấm huy động vốn; Phạt tiền, khi không áp dụng hình phạt chính.
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo (từ trái sang phải): Luật sư Vũ Phi Long - nguyên Phó chánh tòa Hình sự - Tòa án Nhân dân TP.HCM; Luật sư Nguyễn Thành Công - Giám đốc điều hành Công ty Đông Phương Luật; Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group |
Doanh nghiệp cần làm gì để quản trị rủi ro pháp lý?
Theo Công ty luật LPVN, có bốn bước cơ bản các chủ doanh nghiệp có thể tham khảo để xây dựng quy trình quản trị rủi ro pháp lý và tuân thủ nội bộ.
Bước 1: Định vị rủi ro
Tiến hành rà soát lại toàn bộ chính sách, quy trình, quy chế, các văn bản, chứng từ... thuộc hồ sơ pháp lý doanh nghiệp, từ vấn đề quản trị công ty, kinh doanh, giao dịch, quản lý lao động, thuế, BHXH, chăm sóc khách hàng, xử lý rủi ro... để đưa ra báo cáo rà soát pháp lý công ty.
Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần phân biệt về rủi ro pháp lý và rủi ro tuân thủ nhằm thiết lập các phòng ban phù hợp theo quy mô của mỗi công ty.
Rủi ro tuân thủ là những nguy cơ phát sinh từ việc không chấp hành đúng các quy định về pháp luật và các chuẩn mực mà chủ thể pháp lý tự đặt ra. Quản trị rủi ro tuân thủ là quá trình kiểm soát yếu tố chấp hành đúng quy định luật pháp và nội bộ doanh nghiệp.
Rủi ro pháp lý là những nguy cơ từ các sự kiện pháp lý liên quan đến hệ thống pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế và luật pháp quốc tế. Quản trị rủi ro pháp lý là quá trình nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro lên hoạt động kinh doanh.
Bước 2: Thiết lập quy trình
Doanh nghiệp cần soạn thảo các quy trình liên quan đến từng hoạt động của công ty và có sự thống nhất theo quy chuẩn nào đó, ví dụ ISO... và được thông qua bởi người có thẩm quyền để công bố cho toàn công ty. Các điều khoản về Quyền miễn trừ cần được lồng ghép vào các quy định này.
Bước 3: Cam kết nhân sự
Ở các phòng ban hoặc nhân sự chủ chốt, ví dụ như phòng tài chính, kế toán trưởng...cần có những cam kết về trách nghiệm, bao gồm cam kết về tuân thủ pháp luật và tự chịu trách nghiệm. Các cam kết có thể thuộc quy chế phân quyền và giới hạn trách nhiệm cá nhân và doanh nghiệp.
Bước 4: Thực thi thống nhất
Việc ban hành quy trình và chính sách kinh doanh cần thể hiện qua các Công bố miễn trừ trách nhiệm gửi đến toàn bộ nhân sự và công khai tại nơi làm việc. Việc minh bạch hóa và tách bạch này sẽ bảo vệ cho doanh nghiệp tránh các rủi ro hình sự từ cá nhân và CEO.
Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp cần thiết lập hội đồng cố vấn luật giúp tư vấn và xây dựng hệ thống quản lý rủi ro pháp ly phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể liên lạc Đoàn Luật Sư TP.HCM hoặc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Việt Nam để được hướng dẫn giải đáp các thắc mắc liên quan đến pháp luật.